Văn bản - Thông báo

Quy định công tác giáo viên chủ nhiệm

Quy định số: 06/QyĐ-CQT , ngày 08 tháng 8 năm 2017 của Hiệu trưởng trường THPT chuyên Quang Trung.

Cùng với những quy định trong Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (Ban hành kèm theo Thông tư số: 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên (Ban hành kèm theo Thông tư số: 20/VBHN-BGDĐT ngày 30/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), Quy định này là căn cứ để giáo viên chủ nhiệm (GVCN) thực hiện nhiệm vụ chủ nhiệm lớp được giao.

I. Vai trò, vị trí, chức năng của giáo viên chủ nhiệm

1. Vai trò, vị trí

GVCN lớp được thay mặt Hiệu trưởng quản lý và giúp lớp tổ chức học tập, rèn luyện đạt mục tiêu giáo dục, GVCN vừa là người thầy, vừa đóng vai trò người đại diện cho quyền lợi của tập thể lớp.
GVCN là cầu nối giữa nhà trường với cha/mẹ hoặc người bảo trợ của học sinh (CMHS), là người chủ chốt của trường – cùng với các đoàn thể, Ban quản lý học sinh (QLHS) và Ban quản lý ký túc xá (BQL KTX) làm công tác giáo dục học sinh.

2. Chức năng

Lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lớp để tổ chức thực hiện tốt mọi hoạt động của lớp.
Tổng hợp tình hình, đề xuất các giải pháp để tham mưu cho Ban Giám hiệu về công tác giáo dục, rèn luyện của học sinh.
Nắm chắc tư tưởng, tinh thần, thái độ và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh; phối hợp với gia đình và đoàn thể để giúp đỡ, cảm hóa học sinh trong học tập và rèn luyện theo mục tiêu giáo dục của nhà trường.

II. Nhiệm vụ, quyền hạn của giáo viên chủ nhiệm

1. Nhiệm vụ

Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ của giáo viên bộ môn (GVBM), GVCN còn có những nhiệm vụ sau đây:
– Lập và quản lý hồ sơ chủ nhiệm;
– Dự tiết sinh hoạt chào cờ và tổ chức tiết sinh hoạt chủ nhiệm hàng tuần;
– Chủ động tổ chức triển khai và đôn đốc để học sinh hiểu và thực hiện các nội quy, quy định của nhà trường;
– Tìm hiểu và nắm vững học sinh trong lớp về mọi mặt để có biện pháp tổ chức giáo dục sát đối tượng, nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của lớp;
– Cộng tác chặt chẽ với CMHS, chủ động phối hợp với giáo viên dạy chuyên, các GVBM, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ban QLHS, BQL KTX và các bộ phận có liên quan trong hoạt động giảng dạy và giáo dục học sinh của lớp mình chủ nhiệm;
– Có mặt để theo dõi, đôn đốc khi lớp tham gia các hoạt động cấp trường hoặc thực hiện nhiệm vụ do Nhà trường giao (lao động, tham gia sự kiện ngoài trường,…);
– Thăm và kiểm tra phòng ở học sinh nội trú ít nhất 02 lần/tháng – ghi nhận xét, kiến nghị vào Sổ trực KTX tại phòng trực hoặc phản ánh đến BGH khi cần thiết. (Thời gian thăm KTX là từ sau 19 giờ);
– Thông báo sớm với CMHS đối với những trường hợp có nguy cơ không đủ điều kiện tiếp tục học lớp chuyên;
– Tham dự họp giao ban hằng tháng về công tác giáo dục học sinh;
– Cập nhật hằng tuần, báo cáo thường kỳ (ngày 25 hằng tháng) hoặc đột xuất về tình hình của lớp với BGH;
– Bảo quản và chuyển giao số chủ nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm lớp năm học sau.

2. Quyền hạn

Ngoài những quyền hạn của giáo viên, GVCN còn có những quyền sau đây:
– Được dự các giờ học, hoạt động giáo dục khác của học sinh lớp mình;
– Được tiếp cận thông tin ghi nhận từ Ban QLHS, KTX, Đoàn thanh niên và các GVBM trong việc theo dõi nề nếp học sinh, được dự các cuộc họp của Hội đồng khen thưởng và Hội đồng kỷ luật khi giải quyết những vấn đề có liên quan đến học sinh của lớp mình;
– Được tham gia hội đồng xét học bổng khuyến học khuyến tài và đề cử học sinh đủ tiêu chuẩn vào danh sách xét học bổng;
– Được dự các lớp bồi dưỡng, hội nghị chuyên đề về công tác chủ nhiệm;
– Được quyền cho phép cá nhân học sinh nghỉ học không quá 03 ngày/tháng nếu có lý do chính đáng, chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về quyết định của mình;
– Được giảm giờ lên lớp theo quy định; được nhận tiền quản lý học sinh luyện thi đại học và các khoản phụ cấp theo quy chế chi tiêu nội bộ.

III. Hồ sơ của giáo viên chủ nhiệm

1. Các loại hồ sơ GVCN trực tiếp quản lý, sử dụng

– Sổ chủ nhiệm;
– Sổ biên bản công tác chủ nhiệm (sinh hoạt chủ nhiệm, xử lý học sinh, làm việc với CMHS…);
– Hồ sơ xử lý kỷ luật học sinh (biên bản, bản kiểm điểm, bản cam kết…);
– Các văn bản của nhà trường liên quan đến công tác chủ nhiệm và công tác giáo dục học sinh.

2. Các loại hồ sơ được giao để nhập và kiểm tra thông tin

– Sổ ghi đầu bài (hết quyển chuyển về giáo vụ quản lý);
– Sổ gọi tên – ghi điểm (truy cập bằng tài khoản vnedu);
– Học bạ học sinh.

IV. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ lớp

1. Cơ cấu:

Đội ngũ cán bộ lớp bao gồm: 01 lớp trưởng, các lớp phó, các tổ trưởng. Ngoài ra có thể có các tổ phó, cán sự bộ môn… (mỗi tổ không quá 12 học sinh).

2. Tiêu chuẩn xây dựng đội ngũ cán bộ lớp

– Hạnh kiểm tốt;
– Năng nổ, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm;
– Có uy tín với tập thể lớp.

V. Giải quyết nghỉ phép cho học sinh

Giáo viên chủ nhiệm là đầu mối và là người duy nhất thay mặt BGH giải quyết cho học sinh nghỉ học phép.
(1) Trường hợp học sinh không ở KTX: Đơn xin phép của học sinh phải có chữ ký của CMHS. Sau đó chuyển đơn đến lớp để GVCN giải quyết.
(2) Trường hợp học sinh ở KTX:
 Đơn xin phép nghỉ học phải có chữ ký của Trưởng ban quản lý KTX (thay mặt CMHS). Sau đó chuyển đơn đến lớp để GVCN giải quyết.
 Đơn xin về phép ở KTX do BQL KTX giải quyết (không phải là đơn xin phép nghỉ học, không cần ý kiến GVCN).
(3) CMHS có thể điện thoại trực tiếp cho GVCN để xin phép. Trường hợp này GVCN phải nhắn tin thông báo cho trực ban QLHS – trực ban QLHS thông báo cho cán sự lớp để báo GVBM.
(4) Trường hợp học sinh đang học mà có việc gấp, có CMHS liên hệ thì trực ban QLHS là người giải quyết cho nghỉ không quá 01 buổi học đồng thời cấp “Phiếu ra cổng” và thông báo với lớp để cán sự lớp báo GVBM dạy buổi học đó.

Trực ban QLHS căn cứ giấy phép và tin nhắn – nếu hợp lệ thì ghi nhận “vắng có phép”, không hợp lệ thì ghi “vắng không phép”.

Trường hợp khi học sinh có việc gấp phải nghỉ học mà chưa kịp làm giấy phép hoặc không liên lạc được với GVCN thì GVCN có trách nhiệm xác minh và thông báo về Ban QLHS để ghi nhận “bổ sung phép”. Thời gian nộp phép bổ sung trước tiết 03 sáng Thứ sáu hằng tuần.

VI. Việc theo dõi và xử lý học sinh

1. Công tác theo dõi học sinh

Theo dõi học sinh thông qua sổ theo dõi của cán bộ lớp và các kênh thông tin như:
– Sổ trực Ban QLHS;
– Sổ trực Ký túc xá;
– Kết quả thi đua của Đoàn trường;
– Ý kiến phản ảnh của giáo viên dạy chuyên, GVBM, cán bộ, nhân viên nhà trường;
– Ý kiến phản ảnh của cán bộ, nhân dân địa phương, của cha mẹ học sinh.

2. Nội dung theo dõi

– Có thành tích hoặc có sự tiến bộ trong học tập, rèn luyện: Tinh thần xây dựng trường, lớp, xây dựng bài, tiến bộ trong học tập, rèn luyện; đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực….
– Vi phạm nội quy, quy định của trường, lớp, KTX.

3. Công tác xử lý kết quả theo dõi

– Đối với học sinh có thành tích và những học sinh tiến bộ:
 Kết hợp với Ban liên lạc CMHS để tuyên dương, khen thưởng trước lớp;
 Đề nghị Ban thi đua trường những cá nhân tiêu biểu theo quy định để xét tuyên dương, khen thưởng trước toàn trường.
– Đối với học sinh vi phạm: Tổng hợp các hành vi vi phạm, biện pháp đã xử lý, theo hàng tuần, tháng, học kỳ, năm học trong sổ chủ nhiệm; đề nghị Hội đồng kỷ luật nhà trường xử lý (nếu có).

4. Các hình thức xử lý kỷ luật học sinh

(1) Nhắc nhở trước lớp.
(2) Phê bình trước lớp + Phạt ở phạm vi lớp.
(3) Kiểm điểm và Khiển trách trước lớp + Phạt ở phạm vi lớp.
(4) Kiểm điểm và Khiển trách trước lớp lần 2 + Phạt lao động + Hạ hạnh kiểm tháng + Thông báo với CMHS.
(5) Kiểm điểm và Khiển trách trước lớp lần 3 + Phạt lao động + Hạ hạnh kiểm tháng + Mời CMHS phối hợp giáo dục.
(6) Đề nghị Hội đồng kỷ luật nhà trường xử lý.

5. Các hình thức phạt bổ sung:

(1) Vi phạm mức 4 trở lên sẽ không được xét các học bổng khuyến học khuyến tài.
(2) Vi phạm mức 5 trở lên sẽ không được giới thiệu kết nạp Đoàn.
(3) Vi phạm mức 6 sẽ không được tuyên dương, nhận thưởng trong lễ sơ kết, tổng kết năm học dù có đạt học lực giỏi.
Đối với học sinh khối 12 vi phạm sau tổng kết năm học (tháng ôn thi đại học), nếu vi phạm ở mức 6 thì nhà trường sẽ không ký thư giới thiệu học bổng khi các em có nhu cầu.

6. Trường hợp GVCN đề nghị Hội đồng kỷ luật nhà trường xử lý

GVCN gửi hồ sơ kỷ luật cho Hiệu trưởng, bao gồm:
– Biên bản các cuộc họp mà học sinh vi phạm ở mức 4, mức 5;
– Biên bản họp và đề nghị Hội đồng kỷ luật nhà trường xử lý (mức 6);
– Các Bản tự kiểm điểm, cam kết của học sinh;
– Những tài liệu, tang vật (nếu có).

VII. Tổ chức đánh giá hạnh kiểm học sinh

1. Đánh giá, xếp loại hạnh kiểm tại lớp

– GVCN tổ chức cho lớp đánh giá, xếp loại hạnh kiểm theo từng tháng;
– Cuối mỗi kỳ, GVCN và lớp dựa vào kết quả từng tháng để đánh giá, xếp loại;
– Cuối năm học, GVCN và lớp dựa vào kết quả của hai kỳ để đánh giá, xếp loại.

2. Tham gia Hội đồng Đánh giá, xếp loại của trường

Hồ sơ tham gia họp xét kết quả 2 mặt giáo dục với Hội đồng cuối mỗi học kỳ gồm:
– Bản tổng hợp kết quả học tập và rèn luyện của lớp;
– Bản đề nghị xếp loại học lực của lớp;
– Các minh chứng cho thấy sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học tập và rèn luyện (điểm số, điểm thi thử các đợt, sổ chủ nhiệm…).

Quy định công tác GVCN được áp dụng từ năm học 2017-2018. Vào đầu mỗi năm học, GVCN có trách nhiệm triển khai đầy đủ Quy định này đến học sinh lớp chủ nhiệm và CMHS. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, GVCN cần báo ngay cho Ban Giám hiệu để xem xét, điều chỉnh.

Trao đổi, thảo luận